Để tránh trở nên lỗi thời do bị lộ bí mật, Nga đã phải gấp rút thực hiện 10.000 nâng cấp lớn nhỏ cho máy bay Su-27 để cho ra đời phiên bản nâng cấp Su-27SM hiện đại hơn.
Theo Tom Cooper - chuyên gia phân tích sức mạnh không quân tại Trung Đông, vào tháng 3/1986, các tiêm kích hạm F-14 thuộc Hải quân Mỹ nhanh chóng chiếm ưu thế bầu trời vịnh Sirte, phía bắc thành phố Sirte – quê hương của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Các hoạt động gây nhiễu mạnh mẽ đã vô hiệu hóa toàn bộ khả năng phòng thủ không gian của Libya, ngăn chặn họ giành lại quyền làm chủ bầu trời vịnh Sirte.
Con "ngáo ộp" quay lại bầu trời
Hành động mạnh mẽ của Mỹ đã buộc Tripoli phải từ bỏ những tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển Địa Trung Hải. Bị thiệt hại nặng nề bởi các đòn tấn công chính xác cũng như các hoạt động tác chiến điện tử, lực lượng Phòng không – Không quân Libya buộc phải để mặc các máy bay đối phương làm chủ bầu trời của chính mình.
Thực chất chiến dịch này chỉ là một đòn đánh thử nhằm kiểm tra sức mạnh của lực lượng phòng thủ bầu trời Libya và là mở đầu cho chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn được thực hiện vào tháng 4 cùng năm. Lần đầu tiên sau 10 năm, kể từ thời điểm kết thúc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ lại mở một chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn ở nước ngoài.
Nhiều người cho rằng, thành công của Mỹ tại Libya là kết quả của hoạt động huấn luyện thường xuyên cộng với chiến thuật tác chiến linh hoạt và phù hợp. Nhưng họ cũng quên mất rằng, còn một nhân tố quan trọng khác trên mặt trận không tiếng súng, có tác động tích cực lên chiến dịch này, đó là hoạt động tình báo.
Điệp viên bạc tỷ
Giữa thập niên 1980, lực lượng tình báo Mỹ bắt đầu cấy được những cơ sở tin cậy của mình vào ngành công nghiệp quốc phòng Xô Viết. Đối với ngành công nghiệp hàng không quân sự nói riêng, xuất hiện một cái tên đặc biệt mà sau này người ta vẫn còn phải tốn nhiều giấy mực, đó là Adolf Georgievich Tolkachev, một nhà khoa học ngành điện tử hàng không.
Tolkachev chính là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết thực tế "Điệp viên bạc tỷ" của nhà văn David Hoffman. Sinh năm 1927 tại tỉnh Aktyubinsk, Kazakhstan và là một nhà khoa học tài năng nhưng ông lại sa đà vào con đường chính trị.
Tolkachev sớm có những suy nghĩ tiêu cực và lệch lạc về chính quyền, cộng thêm việc mẹ vợ bị hành quyết, cha vợ bị bắt đi lao động khổ sai trong thời kỳ lãnh tụ Stalin thực hiện các chính sách cải cách cứng rắn những năm cuối thập niên 1930. Tất cả những điều này đã khiến ông nuôi dưỡng trong mình một ý định "phục thù".
Sự nghiệp tình báo của ông chính thức bắt đầu vào năm 1979, khi ông móc nối được với một cơ sở của CIA tại Moskva, đó là nhà ngoại giao John I. Guilsher.
Những "nạn nhân" đầu tiên
Lại nói về chiến thắng của Hải quân Mỹ trên vịnh Sirte. Ngày 24/3/1986, sau khi làm chủ bầu trời vùng vịnh, các máy bay Hải quân dễ dàng quét sạch các tổ hợp tên lửa S-200 đóng quanh bờ biển và đánh chìm thêm một vài tàu tên lửa của Hải quân Libya.
Một tháng sau, 66 máy bay F-14, F-111 và A-6 của Mỹ mở chiến dịch tập kích đường không "Hẻm núi Dorado" vào hai thành phố Tripoli và Benghazi. Mặc dù phòng không Libya chống trả quyết liệt, chỉ có 1 máy bay của Hải quân Mỹ bị bắn rơi. Lực lượng tấn công rút lui sau 11 phút.
Tiếp tục, tháng 1/1989, 2 chiếc F-14A Tomcat của Hải quân Mỹ lại đột kích vào vùng trời Libya, bắn rơi 2 máy bay MiG-23MF của Không quân Libya rồi rút lui ngay sau đó.
Các chiến thắng kiểu "áp đảo" của Mỹ vẫn tiếp tục trên bầu trời Trung Đông trong thập niên 1990. Năm 1991, Không lực Mỹ tràn ngập bầu trời Iraq vỏn vẹn trong 3 ngày, lực lượng Không quân Iraq, vốn được trang bị và huấn luyện tốt, được thử lửa qua cuộc chiến với Iran, nay bị đánh cho tan tác, thậm chí nhiều phi công còn phải bay sang Iran trốn chạy.
Hình ảnh chiếc MiG-23MF của Không quân Libya bị bắn hạ ngày 4/1/1989 bởi tiêm kích hạm F-14A Mỹ. Nguồn: U.S. Navy
Đó là Không quân, còn Phòng không Iraq cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Sau hơn 20 năm phát triển, từng nếm mùi khói lửa qua các cuộc chiến tranh giữa người Ả Rập – Israel và chiến tranh với Iran, nay Phòng không Iraq cũng phải "tắt điện" trước Không lực liên quân và gần như không gây ra bất cứ cản trở lớn nào cho lực lượng tấn công.
Đây chỉ là 4 ví dụ trong hàng tá các ví dụ khác về những chuỗi chiến thắng kiểu "áp đảo" của Không quân Mỹ đối với lực lượng đối phương trong 30 năm qua. Thời kỳ mà các máy bay Mỹ phải vận lộn, xoay xở vô cùng khó khăn với Không quân và Phòng không đối phương nhằm chiếm quyền làm chủ bầu trời như ở Việt Nam đã đi vào dĩ vãng.
Một câu hỏi lớn được đặt ra, từ một cường quốc bại trận trong chiến tranh Việt Nam, sau 10 năm, quân đội Mỹ, cụ thể là Không lực đã lấy lại sức mạnh của mình như thế nào?
Người có công đầu tiên không thể không nhắc đến đó chính là Tolkachev.
Nhiều học giả cho rằng, thất bại của các lực lượng quân sự vùng Trung Đông là do thiếu huấn luyện, chỉ huy kém, trang bị nghèo nàn và kinh nghiệm không có. Hay cho rằng ở Iraq năm 1991, lực lượng phòng không của quốc gia Ả Rập này đã xuống cấp nghiêm trọng, cộng thêm với các quyết sách chính trị của giới lãnh đạo gây ra tổn thương cho chính bản thân họ.
Chúng ta hãy thử đặt sang một bên các vấn đề về khí tài và phương tiện chiến đấu, về huấn luyện, chiến thuật, chiến lược hay các quyết định chính trị ồn ào, nhìn vào các sự kiện lịch sử trên một lần nữa, để nhận ra một điểm chung giữa chúng. Đó là lực lượng Mỹ có những hiểu biết đầy đủ về trang bị của Libya, Iraq và cả Nam Tư sau này.
Ví dụ, phi công điều khiển những chiếc A-7E Corsair II tấn công các tổ hợp tên lửa phòng không S-200 của Libya quanh vịnh Sirte ngày 24/3/1986 biết rất rõ các tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện mà đối phương sử dụng. Họ biết radar 5N62 hoạt động ở băng tần nào, dễ bị nhiễu ở rãnh sóng nào cũng như vùng mù của radar nằm trong khoảng bao nhiêu.
Tương tự, các phi công điều khiển hai máy bay F-14A Tomcat bắn rơi hai chiếc MiG-23MF năm 1989 biết rằng các máy bay chiến đấu cánh cụp – cánh xòe MiG-23 thuộc biến thể "Flogger-B" thiếu cơ động ở những vị trí nào và biết nó thiếu khả năng tấn công ở góc tấn lớn.
Phi công vận hành F-15/F-16 của Không lực Mỹ cũng thuộc như lòng bàn tay toàn bộ tính năng của từng loại vũ khí, từng loại biến thể mà kẻ thù của họ sử dụng trên bầu trời Iraq năm 1991 và 2002 sau này.
Dự án MiG-29 là một trong những dự án chịu nhiều thiệt hại nhất từ Tolkachev. Sau này Nga đã bù đắp lại bằng cách phát triển biến thể MiG-29SMT (trong ảnh). Nguồn: Tom Cooper Collection
Hoạt động tình báo chính là chìa khóa của những thành công kể trên.
Sổ tay chiến thuật mà các phi công được dạy tại Trường Vũ khí Không quân, thuộc Không đoàn 57 Không quân Mỹ đã đề cập rất rõ về tính năng chiến thuật của những loại vũ khí hiện đại nhất đang có trong trang bị của quân đội Liên Xô, bao gồm cả chiến đấu cơ MiG-29, Su-27, tổ hợp tên lửa S-300P, tổ hợp Buk và nhiều loại phương tiện khác.
Kẻ tàn phá ngành hàng không Xô Viết
Tất cả những tài liệu mà Tolkachev cung cấp cho Mỹ đều rất có giá trị, cả về mặt công nghệ quân sự lẫn chính trị.
Từ năm 1979, khi làm việc ở cương vị kỹ sư thiết kế tại Viện nghiên cứu kỹ thuật Radar Liên Xô (hay Cục thiết kế Phazotron), Tolkachev đã có thể tiếp cận được với những tài liệu đặc biệt nhạy cảm, được Liên Xô xếp vào hàng "Совершенно Секретно" (tuyệt mật), chủ yếu về các phương tiện điện tử hàng không, radar và các tên lửa chiến thuật sắp trang bị cho các máy bay Xô Viết.
Tháng 12/1979, Cục phòng vệ Mỹ bắt đầu xây dựng bộ hồ sơ về các khí tài điện tử dựa trên những thông tin nhận được từ Tolkachev.
Các tài liệu này được CIA đánh giá rất cao: "Chúng ta chưa bao giờ lại có thể có những hiểu biết đầy đủ và chi tiết như thế này [về các vũ khí của Liên Xô] cho đến khi chúng được triển khai".
Adolf Georgievich Tolkachev. Nguồn: David Hoffman
Tháng 4/1980, tình báo CIA lại chuyển về trung tâm một tài liệu nữa của Tolkachev đề cập chi tiết về một loại khí tài chống nhiễu dự tính sẽ được trang bị cho radar của các máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Vài tháng sau, Tolkachev lại được ghi nhận khi cung cấp các tài liệu về một loại máy bay chiến đấu độc đáo mới của Xô Viết và một số biến thể tên lửa hàng không sắp được trang bị.
Các tình báo viên thuộc Cục Phòng vệ Mỹ tháng 9/1980 đã ca ngợi: "…, đóng góp của Tolkachev đã giúp phá bỏ những giới hạn bao lâu nay kìm hãm sự phát triển của các hệ thống quốc phòng… .Tài liệu mà Tolkachev gửi về đã giúp nước Mỹ tiết kiệm nhiều sinh mạng, phương tiện, rút ngắn thời gian và tiền của trong các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới".
Nhìn về hướng bên kia, những tổn thất mà Tolkachev gây ra cho ngành công nghiệp hàng không quân sự Xô Viết là không thể đong đếm nổi.
Thông tin về các chiến đấu cơ tiên tiến như MiG-29, MiG-31, Su-27 và các vũ khí trang bị kèm theo đều lộ. Các thông tin được gửi đi một phần như dự án Su-27, hoặc bị lộ hoàn toàn như MiG-29. Phía Mỹ đã tranh thủ được thời gian, nhanh chóng phát triển các phương tiện mới đủ khả năng đối kháng lại vũ khí của Liên Xô.
Từ cuối năm 1984, Tolkachev dần bị lộ tẩy bởi các "ván bài tình báo" được KGB sắp đặt. Nhiều tài liệu của ông gửi về Mỹ bị phát hiện, thậm chí bị "trộn" bằng tài liệu giả, hoặc tài liệu bị sửa chữa nhằm gây thiệt hại cho phía Mỹ.
Ngày 20/9/1985, Tolkachev bị bắt và bị tuyên án tử hình về tội danh làm "gián điệp cho nước ngoài". Bản án được thi hành năm 1986.
Năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ. Trong suốt một thời gian dài của thập kỷ 90, do tình hình kinh tế khó khăn, ngành công nghiệp hàng không quân sự của nước Nga phải ngậm ngùi chịu cảnh thiếu kinh phí, không có bất cứ dự án phát triển máy bay lớn hay thậm chí nâng cấp nào được thực hiện.
Chính vì nguyên nhân này mà các tài liệu Tolkachev cung cấp cho phía Mỹ vẫn còn giá trị ngay cả khi ông ta đã chết từ lâu.
Một kỹ sư Sukhoi từng phát biểu: "Trong 20 năm, chúng tôi đã phải thực hiện 10.000 nâng cấp lớn nhỏ khác nhau để cải tiến phiên bản Su-27 thành Su-27SM nhằm sửa chữa những thiệt hại mà Tolkachev gây ra".
Những gì Adolf Tolkachev tiết lộ cho CIA có lẽ vẫn không được phổ biến rộng rãi trong nhiều năm tới, tuy nhiên, chắc chắn rằng khối lượng của những tài liệu bị lộ này là rất lớn – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Hành động phản bội của ông dẫn đến việc thải loại sớm nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại và làm nhiều loại tên lửa hàng không "lỗi thời" ngay từ khi đi vào biên chế. Bài học về kẻ phản bội Tolkachev sẽ mãi mãi là một bài học đau đớn dành cho nước Nga sau này.
Đăng nhận xét