Từ trường hợp trên, có thể nói vấn đề xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách ở nước ta còn nhiều bất cập.
Việc làm luật ở nước ta không do cơ quan độc lập, đại biểu dân cử hoặc các ủy ban của QH chủ trì soạn thảo mà thường được giao cho cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trực tiếp xây dựng. Trong khi đó, lẽ tự nhiên, bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi có vấn đề liên quan ảnh hưởng đến lợi ích của mình đều bảo vệ đến cùng. Do đó, khó có thể chờ đợi những người có lợi ích gắn liền với ngành, lĩnh vực nào đó từ bỏ những quy định có lợi cho mình, đưa ra chủ trương, chính sách theo hướng thay đổi, đột phá.
Mặt khác, dù những người trực tiếp làm việc trong các ngành, lĩnh vực nào sẽ am hiểu kỹ, sâu về vấn đề đó nhưng cũng đồng nghĩa với những hạn chế nếu họ cố tình dùng những hiểu biết của mình để “cài cắm”, quy định những nội dung có lợi cho tổ chức, cá nhân vào các văn bản luật.
Trở lại vấn đề “đẽo cày giữa đường” khi làm luật, thực ra ở đây chủ yếu là liên quan đến lợi ích. Để hạn chế tình trạng lợi ích nhóm, cục bộ trong việc xây dựng các dự án luật, thiết nghĩ cần triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, có biện pháp rà soát, hệ thống hóa các văn bản pháp luật nhằm loại bỏ những quy định chưa hợp lý, có kẽ hở để ngăn chặn, triệt tiêu các nhóm lợi ích, cục bộ trong xây dựng pháp luật. Điều này không những phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, buộc các cơ quan liên quan thay đổi nhận thức theo hướng tích cực hơn mà còn góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.
Thứ hai, một trong những chức năng quan trọng nhất của QH và đại biểu QH là xây dựng pháp luật, cụ thể là các đạo luật. Vì vậy, các cơ quan của QH, đại biểu QH cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong công tác xây dựng các đạo luật và trực tiếp trình các dự án luật để QH thông qua. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, khẳng định được vị trí, vai trò của đại biểu QH, các cơ quan của QH, hạn chế tình trạng QH phụ thuộc quá nhiều vào các bộ, ngành trong việc xây dựng những dự án luật.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia đóng góp của người dân, tổ chức trong việc xây dựng pháp luật nói riêng và các chủ trương, chính sách nói chung. Theo đó, có thể giao trực tiếp cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật, nhất là các đạo luật liên quan đến đại bộ phận quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần coi trọng hoạt động phản biện xã hội, ý kiến của các chuyên gia, luật gia, luật sư có kinh nghiệm cũng như tiếp thu nghiêm túc ý kiến của người dân trước khi ban hành chủ trương, chính sách, dự án luật.
Phạm Văn Chung
Đăng nhận xét