Mỗi gram bong bóng là mỗi gram vàng
Con sông Hồng khi chảy ra gần đến biển thì phân làm nhiều cửa trong đó cửa chính là Ba Lạt chảy qua xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định).
Từ đây, ngàn vạn loài thủy sản ngọt mặn giao thoa với nhau trong đó có một loài mà giá trị mỗi gram bong bóng của nó được định giá ngang với mỗi gram vàng: cá thủ vàng (hay còn gọi là cá sủ vàng).
Cận cảnh con cá thủ vàng 65 kg
Thủ vàng vốn là món quà hiếm có của biển, hiếm đến mức nhiều người dành cả đời để đi săn mà mãi chỉ là bóng chim, tăm cá.
Thế mà chẳng hiểu vì sao ở Giao Thiện ngư dân lại liên tiếp bắt trúng báu vật bằng một vật dụng vô cùng thô sơ là lưới đáy.
Nào ông Bảng, ông Quý, ông Hưng, ông Hiển, ông Hiện ở xóm 30, nào ông Chiến ở xóm 29, ông Huyến ở xóm 28 khiến cho dư luận một thời cứ gọi là sôi hơn cả nồi bánh chưng luộc ngày Tết.
Người đầu tiên “trúng số” độc đắc của trời cho ở Giao Thiện chính là cặp vợ chồng Trần Xuân Bảng và Mai Thị Nhung - một gia đình nghèo gia truyền từ đời ông bà, bố mẹ đến con cái.
Nghèo đến nỗi có mỗi cái giàn đáy cũng phải chung, cái lưới bên trong đã vá chằng vá đụp.
Đó là một buổi tối mùa đông năm 1993, trời rét mướt lại lất phất mưa. Như thường lệ ông Bảng cùng ông Toản lên đường đi kiểm tra đáy đóng ở đoạn sông Hồng chảy qua trước làng, cách cửa Ba Lạt khoảng 3 cây số.
Cũng là thói quen, bà Nhung - vốn là một con chiên ngoan đạo giơ tay làm dấu xin với Chúa rằng: “Xin cho nhà con tối nay được một sải cá nhàn”.
Cá nhàn là cá tạp vốn chỉ dành để nuôi lợn, rất rẻ rúng. Một sải cá nhàn tức là một sải tay từ điểm cuối của đáy kéo lên, đựng đầy cá là khoảng 30 kg.
Sở dĩ bà Nhung khẩn cầu như vậy bởi buổi đáy đó cũng là vào cuối con nước, trước khi phải phơi lưới lên, bỏ không.
Nhà bà tối đó chỉ còn có đúng bốn bơ rưỡi gạo, không đủ để cầm cự nổi trong mấy ngày nên một sải cá nhàn sẽ dành để đong gạo.
Ai ngờ một vị thần đã nhúng que làm phép để sải cá nhàn mong ước của bà Nhung trở thành một con cá thủ vàng khổng lồ. Lúc nước ròng vừa xong, đang đứng để chuẩn bị nước lên thì hai người kéo đáy.
Một sức nặng kinh khủng khác thường như muốn kéo ghì hai ngư dân xuống sông. Đoán là cá lớn, họ hợp sức lại để khuất phục, mãi mới đưa được nó lên bờ.
Con cá chui xuống tận cái đuôi đáy hình phễu nên dù to khỏe cũng không thể cục cựa được, hệt như con gà bị bỏ lộn ngược vào cái ống để cắt tiết giữa chợ vậy. Một con cá ngoại hình khác lạ, đẹp lung linh như pha lê hiện ra.
Vẩy từ mang xuống đuôi nó màu trắng, bụng màu vàng, lại có viền ở hai bên mang màu sẫm, dài đúng 1m65, ngang 40cm, bụng rất thon vì là cá đực.
Đến lúc này hai ngư dân mới hô người tới giúp mang đòn khiêng như khiêng lợn về nhà.
Bà Nhung: thân con cá rộng như thế này này
Vì chưa ai nhìn thấy con cá thủ vàng bao giờ nên tất cả đều bán tín, bán nghi nhưng cả hai ông vẫn xách xe, đạp liền một mạch gần hai tiếng đồng hồ từ Nam Định sang huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình tìm ông Duệ - trùm của mọi ông trùm về cá thủ vàng.
Trong lúc hai ông đi, bà Nhung cho người tháo hai cái cánh cửa nhà ra để đặt “ông cá” lên trên vì nghĩ cá quý thế, không muốn để xuống đất cho dính bẩn thỉu.
Ngay lập tức, hai vợ chồng ông Duệ phi xe máy sang, bao tải tiền ngật ngưỡng kẹp giữa to ngang một bao phân đạm.
Con cá được ngã giá 40 triệu đồng (tương đương khoảng 15 cây vàng hồi đó), tiền mặt nhét đầy 1 cái vali trong nhà bà Nhung vẫn còn bị thiếu nên vợ chồng ông Duệ phải trả thêm bằng 1 cây vàng nữa.
Một đường dao bầu ngọt lịm cắt vào bụng con vật vẫn đang ngáp ngáp, moi ra từ đó cái bong bóng nặng đúng 1,3kg, một đầu nhọn một đầu tù giống như cái hoa chuối.
Toàn bộ thịt cá còn lại bà Nhung bán cho một thương lái được 600.000đ - gần bằng hai chỉ vàng hồi ấy. Tôi hỏi bà Nhung tại sao, bà chỉ cười nhỏ nhẻ giải thích: “Cả nhà còn đúng bốn bơ rưỡi gạo nên lúc đó cái gì tôi cũng quy ra gạo hết”.
Vậy nên tiếng là đánh được cá thủ khổng lồ nhưng gia đình bà Nhung cũng không ai biết miếng thịt nó ngon lành ra sao.
Họ chỉ được thưởng thức cỗ lòng cá nặng tới 2kg, dầy ngang với dạ dày lợn do thương lái nể nang, bớt lại cho để nấu chuối, khoản đãi những người đi khiêng.
Ngày hôm sau nhà bà Nhung mở liên hoan, làm tới 15 mâm để khoản đãi. Đó là lần đầu tiên mà không phải lễ Tết, không phải giỗ cha giỗ mẹ mà dân làng ở đây có thể cắn ngập răng một miếng giò lụa, thơm ngọt đến tận mãi về sau.
Những ngày tiếp theo là thời gian cả nhà lo lắng đến mất ngủ vì vali tiền vẫn để chình ình bên trong khiến cho ông bố bà Nhung cũng phải đến nhà con rể ngủ để tương trợ, bảo vệ.
Khi tất cả được đem đi gửi tiết kiệm hết rồi mà bà vẫn mất ngủ thêm đến mấy đêm vì quá… sướng. Một nỗi sung sướng không bút mực nào tả nổi. Nỗi sung sướng của người trúng số.
Sau đó là cuộc cách mạng về đồ đạc xảy ra trong nhà bà. 4 cây vàng đổi về chiếc xe máy Honda DD mới cóng, đỏ tươi hơn cả máu con cá thủ vàng.
2 cái giường, 2 cái tủ và một số đồ đạc đắt tiền khác cũng được rước về nên bà chỉ còn đúng 1 cây để làm vốn.
Ngôi nhà của một người trúng cá thủ vàng
Nghe người ta bảo nếu bắt được một con cá thủ vàng cái nữa là chồng bà sẽ chết nên bà Nhung hãi quá khuyên chồng bỏ nghề đóng đáy.
Họ dồn vốn để làm máy xay xát nhưng thua lỗ liên miên khiến cho ông Bảng lại phải xoay sang nghề đi xây. Giờ đây khi sức khỏe đã yếu ông bỏ bay thước để làm trưởng xóm với đồng lương phụ cấp mấy trăm ngàn/tháng.
Chiếc xe máy Honda DD năm xưa đã phải bán từ lâu thay vào đó là cái xe nát khoảng trên dưới 1 triệu, chỉ còn 2 cái giường 2 cái tủ minh chứng cho một thời vàng son.
Sau mấy chục năm không động chạm gì, ông bà mới sửa lại cái nhà cấp bốn, mất tròn 100 triệu. Cũng toàn là tiền vay, ứng trước của một phường họ trị giá 3 cây vàng mà bà Nhung mới tham gia.
Liên tiếp trúng số
Bố của anh Trần Văn Quý là ông Trần Văn Kiểm kể nhà ông hai đời làm nghề lưới đáy ở cửa Ba Lạt.
Đáy giống như cái săm rươi phóng to lên, có hình phễu, dài 25m, rộng 15m, được căng bởi hai cọc to bằng bắp đùi người lớn với những sợi dây thừng to bằng đúng chuôi liềm.
Sau khoán 10, cả nhà ông Kiểm chỉ được chia có 5 sào ruộng nên túng thiếu quanh năm, chỉ trông vào cái lưới đáy với các loại thủy sản như tôm rảo, cá đối, cá nhòng, cá chim, cá mắm…
Những loại cá to nhất mà họ thi thoảng bắt được như cá nhòng cũng chỉ 5 - 7kg, cá chim cũng chỉ 3 - 5kg chứ chưa bao giờ bắt được cá thật lớn cả. Cuộc sống tạm bợ, cứ thế đắp đổi qua ngày.
Cho đến một buổi sáng mùa đông năm 2000 khi hai vợ chồng anh Quý đi thăm đáy lúc nước cạn bỗng thấy những đợt sóng lạ cứ dập dồn bên dưới.
Thì ra, ở đuôi đáy đang có một con cá lớn đang nằm gọn bên trong. Anh Quý lấy chiếc sào có gắn một cái móc để kéo đuôi đáy từ từ nhô lên mặt nước. Gần đến mạn thuyền vợ anh trợ lực, kéo cùng.
Nước chảy xiết, lực cản dễ đến cả tấn bên dưới khiến cho công việc của họ vô cùng khó khăn. Chỉ khi nước ráo hết khỏi đáy thì tấm lưới mới nhẹ dần.
Thuyền cập bờ, họ cắt đuôi đáy, lôi cả cá lẫn lưới lên trên mặt đất rồi hô mọi người ra giúp đỡ. Phải bốn thanh niên lực điền mới khiêng nổi con “thủy quái” về nhà.
Từ bến nước, tin đã lan nhanh hơn cả vết dầu loang. Cả làng, cả tổng kéo nhau ra đông như chảy hội. Chiếc cân tạ loại móc hàm lợn được trưng ra để đo trọng lượng của cá.
Tròn 65kg. Ai đó đã nhanh tay tháo ngay hai tấm cửa để ngả con cá lên theo đúng tập quán. Mọi thứ đều phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận còn hơn cả đỡ đẻ để cho sản phụ để tránh sứt mẻ dù chỉ là một cái vẩy của con vật.
Một người vội vàng báo tin cho đại lý Duệ để nhận ngay từ ông này 1 triệu đồng tiền thưởng nóng.
Đường sá xa xôi nên phải mất 1 tiếng đi từ Tiền Hải tắt sang “đò ông già” ở Nam Hồng ông Duệ mới sang được đến nơi, con cá sủ vàng vẫn còn thở và ngáp.
Không còn độc quyền được như trước, lúc này cũng có một hai đại lý khác lân la đến ngã giá nhưng cuối cùng ông Duệ vẫn chơi kiểu chiếu trên, trả hẳn mức giá 125 triệu để giành quyền được rạch bụng, lấy ra thứ quý giá nhất của con cá là cái bong bóng.
Theo thời giá lúc đó, vàng chưa đến 5 triệu đồng một cây nên 125 triệu tương đương với hơn 25 cây vàng. Có tiền anh Quý mua ngay cái xe Dream Thái đập hộp trị giá 42 triệu.
Anh còn sắm ngay những tiện nghi đắt tiền như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, đầu đĩa, đồng hồ Odo mất thêm khoảng 40 triệu nữa nên chỉ sót chừng 30 triệu để đầu tư vào lập vùng, nuôi vạng.
Nhưng nuôi vạng thì vạng bệnh nuôi tôm thì vỡ bờ nên vốn tàn, lực kiệt, năm 2010 hai vợ chồng anh Quý phải dắt díu nhau vào Đồng Nai làm thuê kiếm sống qua ngày.
Lúc tôi đến, căn nhà của họ đã bỏ không bấy lâu, cũ kỹ và xuống cấp. Tài sản trong nhà gần như chẳng còn một thứ gì đáng giá kể cả những đồ vật mà anh sắm từ số tiền “trúng số” độc đắc năm nào.
Thứ duy nhất còn là một tấm ảnh con cá thủ vàng được phóng to lên làm kỷ niệm mà ông bố anh là ông Trần Văn Kiểm cầm cho tôi xem.
Hầu hết những người trúng cá thủ vàng tiếp theo ở xã Giao Thiện như ông Hưng, ông Hiển, ông Hiển, ông Hiện, ông Chiến, ông Huyến đều có gia cảnh tương tự như vậy cả.
Nghệ thuật giữ tiền
Hết trúng xổ số của trời, người Giao Thiện lại trúng đến xổ số của đời. Số là cặp vợ chồng Mai Văn Khâm - Phan Thị Ngát ở xóm 22 do kinh tế khó khăn phải phiêu bạt vào bán dừa dạo ở tận Sài Gòn.
Họ trọ trong một cái phòng rộng chỉ khoảng 10m2, không có giường mà chỉ có mỗi cái giát lát tạm xuống để sáng ra chia nhau đi hai ngả bán hàng.
Đồ nghề chẳng có gì ngoài con dao, cái thùng xốp để giữ dừa lạnh. Ngày gặp thì được 100 quả, ngày không thì ế dài đến nỗi buổi trưa cũng chỉ dám gặm một ổ bánh mì chay thay cho cơm.
Trung bình mỗi tháng tiết kiệm họ dành ra được vài triệu để nuôi ba đứa con ở quê nhà.
Trong những ngày tháng cơ cực đó, anh Khâm đều duy trì thói quen mới có là mua xổ số.
Ở trong Nam khác hẳn với quê anh, người ta mua xổ số tựa như ăn sáng, uống cà phê, nhìn mà phát thèm. Mỗi ngày như thế anh đều để ra 10.000đ để mua vé.
Một buổi mẹ chị Ngát bị ốm khiến chị phải bỏ dở gánh hàng để về quê chăm sóc. Được mấy hôm bỗng chị nhận được cú điện thoại của chồng rằng: “Anh về quê đây”.
Ngạc nhiên chị vặn: “Về làm gì? Nay mai mẹ khá em lại vào mà?” nhưng anh cũng cứ về mặc cho chị tiếc tiền đến buốt cả ruột gan.
Bởi vì tiếc tiền nên 3 - 4 năm vào trong Nam sinh nhai họ nào có dám về quê. Lúc đi thằng út Hoàng Anh mới 1 năm mà khi chị về đã gần 4 tuổi, nhìn mẹ lạnh lùng như một người khách xa lạ rồi cứ bám riết lấy bà.
Lần về quê này của anh Khâm không phải chui rúc hai ba ngày đêm chật chội trên xe khách Nam Bắc mà bằng hẳn máy bay.
Cái tin anh trúng số còn lan nhanh hơn cả tốc độ máy bay trong gia đình nhưng chỉ đến khi mẹ chồng rỉ tai thì chị Ngát mới chịu tin.
Số tiền to quá, tới 1,5 tỉ đồng, đóng thuế rồi vẫn còn tới 1 tỉ 350 triệu (năm 2009).
Là người rộng rãi, anh chị đem biếu 9 - 10 anh em trong nhà mỗi người 10 triệu, biếu bố mẹ đôi bên mỗi người 20 triệu, biếu những người họ hàng đến chia vui mỗi người vài trăm, biếu 1 quả chuông nặng 3 tạ trị giá gần trăm triệu cho nhà thờ…
Lạ cái là không một ai ngỏ lời xin xỏ cả mà toàn là đến mừng cho anh chị, ngồi uống nước, ăn bánh rồi về là được anh chị tặng quà mà thôi. Văn hóa chơi xổ số Bắc Nam đã khác, văn hóa hậu nhận giải lại càng khác.
Sau khi trúng số, anh Khâm bỏ tất cả đồ đạc, quần áo cũ ở Sài Gòn cho người quen dùng rồi về hẳn quê sinh sống. Lúc này mới thấy tài quán xuyến của vợ anh tác dụng.
Tiền tỉ nếu đem ra tiêu thì chắc chỉ vèo cái là hết nhưng không chị giục anh mua đất rồi dựng nhà. Lúc đầu chị định làm nhà hai tầng thôi để cho con có vốn mà học hành nhưng anh không chịu, bảo cứ xây 3 tầng nên mới phải vay nợ.
Ngôi nhà của chị Ngát
Bởi nợ nần thúc giục nên buổi sáng chị đi làm thuê trong một xưởng ủ men rượu ở làng mà người chủ cũng là họ hàng năm xưa từng nhận quà trúng số, buổi chiều về lại bán những đồ khô lặt vặt.
Còn anh thì phải đi chạy xe ôm ở khu Cầu Đen của quận Hà Đông (Hà Nội).
Không quản nắng mưa, anh cóp nhặt từng đồng “tiền bồm” để nuôi đứa con đang học cao đẳng chốn củi châu, gạo quế Thủ đô. (Thương bố mẹ, nó còn đi phụ quán cơm để kiếm tiền).
Và anh vẫn… mua xổ số như một thói quen khó bỏ dù rằng mỗi khi về quê, lục túi để giặt đồ thấy vé chị vẫn thường khuyên: “Trời chỉ thưởng cho một lần thôi, đừng chơi nữa, không trúng đâu”.
Hầu hết những người trúng cá thủ vàng tiếp theo ở xã Giao Thiện như ông Hưng, ông Hiển, ông Hiển, ông Hiện, ông Chiến, ông Huyến đều có gia cảnh nghèo khó tương tự như ông Bảng, anh Quý vậy cả.
Đăng nhận xét