Cô gái được nói đến ở đây là Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1995, quê ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Hà sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mất sớm, mẹ vừa là trụ cột kinh tế vừa là chỗ dựa tinh thần, một mình vất vả nuôi 5 anh chị em Hà ăn học.
Học xong lớp 12, Hà quyết định dừng việc học lên cao và ra Hà Nội tìm việc làm phụ giúp mẹ và các anh chị. Cô gái 18 tuổi khi ấy đã bắt đầu cuộc sống nơi đô thị phồn hoa đầy khắc nghiệt với nghề bán vé ở bến xe Mỹ Đình - công việc do cô và chị gái tự tìm trên mạng.
Theo lời Hà chia sẻ, công việc của cô bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng hàng ngày, cô chủ yếu là xếp số lượng khách, kiểm tra hàng hóa trên xe và thậm chí còn đi theo xe từ Hà Nội tới Quảng Ninh rồi quay ngược trở lại.
Công việc vất vả tới nỗi hành khách nhìn ngoài thôi cũng phải xót xa rồi hỏi "Sao con gái còn trẻ làm công việc cực quá vậy?"
Cực nhọc và vất vả thật đấy, nhưng Hà vẫn cứ nhoẻn miệng cười tươi mà đáp lại rằng "Cháu đã quen rồi ạ".
Hà năm ấy luôn cố gắng tỏ ra thật mạnh mẽ, bản lĩnh trước mặt mọi người. Dù phải thức khuya dậy sớm làm việc, dù nhiều hôm phải tự đi về khi trời đã tối muộn, cô vẫn nói "không sao" rồi giấu nước mắt, tự mình vượt qua tất cả.
Nếu mẹ và các anh chị ở nhà biết cô mệt và cực thế nào thì mọi người sẽ lo lắng cho cô lắm, mà cô thì chẳng muốn ai phải phiền muộn, đau lòng cả...
Thu Hà đã bắt đầu cuộc sống tự lập ở Hà Nội đầy vất vả và khó nhọc.
Ngã rẽ cuộc đời sau lời đề nghị từ người lạ
Hà làm việc ở bến xe Mỹ Đình được 6-7 tháng thì bắt đầu đi tìm cho mình công việc mới. Hà nói lúc đó vì cảm thấy công việc ở đây không được ổn định, bấp bênh, với con gái thì có phần cực nhọc quá nên muốn tìm việc khác.
Thế rồi Hà lại tìm được công việc tương tự ở bên xe Gia Lâm. Vì đã có kinh nghiệm nên cô thử việc một cách rất tự tin, thuần thục. Tuy nhiên sau 5 ngày Hà lại nhận được thông báo bến xe đã tuyển đủ người và cô không còn cơ hội nữa.
Người ta thường nói "Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra" và câu nói ấy đã đúng với trường hợp của Hà. Trong ngày làm việc cuối cùng, Hà tình cờ gặp một người phụ nữ cũng đang làm ở bến xe.
Bà nhìn cô rồi hỏi có muốn theo nghề tạo mẫu tóc không rồi đưa cho cô một số điện thoại bảo liên lạc để xin việc. Hà cầm tờ giấy ghi số điện thoại mà lưỡng lự lắm, lo sợ lắm vì ở Hà Nội bao lâu rồi nay tự nhiên lại có người ngỏ ý muốn giúp đỡ...
Hà không ngờ rằng mảnh giấy ghi số điện thoại khi ấy đã đưa cô sang một ngã rẽ mới.
Sau nhiều ngày đắn đo, suy nghĩ kỹ càng, Hà quyết định nhấc máy gọi điện thoại và nhờ chị gái đèo tới tận địa chỉ cửa hàng thời trang tóc để xin thử việc.
Ấn tượng đầu tiên của Hà khi ấy đối với người chủ đồng thời là người thầy của cô sau này đó là anh rất điển trai, sau khi nghe cô trình bày nguyện vọng anh chỉ khẽ cười rồi nói "em cứ thử xem".
Và thế là bắt đầu từ chữ "thử", cô đi theo cái nghề này đến nay đã được hơn 3 năm, rồi tình yêu với nghề cứ thế lớn dần lên theo thời gian.
Khi mới vào học nghề, Hà cũng nản lắm, nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì trong nhiều tháng cô chỉ làm người lau dọn, làm chân sai vặt cho mọi người. Nhưng sau này Hà mới biết được hóa ra nhờ những công việc ấy mà từ một người chẳng có khái niệm gì về chăm sóc tóc, thời trang tóc, cô đã dần dần tự học lúc nào không hay.
Hà được anh Trương Quang Vinh - người thầy của mình hướng dẫn tỉ mẩn trong công việc.
Giờ ngồi ngẫm lại Hà nói mình thay đổi nhiều lắm, trước đây cô chỉ biết đi làm để kiếm tiền phụ gia đình, giờ thì cô đã có đam mê để theo đuổi, đã biết tự yêu thương và chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Nếu cách đây 3 năm cô không quyết định gọi điện theo lời đề nghị của người phụ nữ lần đầu gặp mặt - mà về sau cô biết đó là mẹ của anh Vinh, thì không rõ hiện giờ số phận sẽ đưa đẩy cô tới đâu? Liệu có phải cô vẫn đang đeo đuổi theo từng tuyến xe để bán vé?
Đăng nhận xét