Để việc tráo đổi thành công và khách mua điện thoại không nghi ngờ, đối tượng đã lên mạng internet học kỹ thuật bóc tem, vỏ bọc ni-lon điện thoại để dán lại như cũ mà không ảnh hưởng gì đến tình trạng ban đầu của máy. Kỹ thuật này được thực hiện bằng tay, chỉ áp dụng được với dòng điện thoại cao cấp như Iphone 7, Iphone 7 Plus, Samsung Galaxy S7...
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đang điều tra mở rộng vụ việc hai đối tượng có hành vi mua điện thoại “nhái” bỏ vào các hộp điện thoại chính hãng để lừa bán, chiếm đoạt tiền của người dân. Chỉ trong vòng 4 ngày (từ 13 đến 16-12), các đối tượng đã thực hiện trót lọt 7 vụ, chiếm đoạt số tiền hơn 117 triệu đồng.
Từ trình báo của một nạn nhân bị lừa 6 chiếc điện thoại
Khoảng 14h ngày 16-12, Công an phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận được tin báo của anh T.T.D (SN 1989), ở phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội về việc Đoàn Ngọc Gia (SN 1993), trú xóm Nhân Sơn, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lực lượng Công an đã tiến hành mời những người liên quan lên làm việc, qua đó xác định, do thiếu tiền tiêu xài, trả nợ nên Đoàn Ngọc Gia đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mua bán ĐTDĐ.
Cụ thể, ngày 13-12, Gia bắt xe khách từ huyện Nga Sơn, Thanh Hóa lên Hà Nội mua điện thoại Trung Quốc nhái Samsung Galaxy S7 với giá 2,2 triệu đồng của Đỗ Thuý Thanh (SN 1987), trú Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội qua thông tin rao bán trên mạng. Sau đó Gia vào siêu thị điện máy HC mua điện thoại Samsung Galaxy S7 chính hãng với giá tiền gần 20 triệu đồng, lấy hóa đơn rồi về nhà nghỉ ở đường Tam Trinh, Hà Nội.
Tại đây Gia lấy điện thoại Samsung nhái cho vào hộp vỏ điện thoại chính hãng, dán lại tem, vỏ nilon rồi nhờ Trần Ngọc Duy (SN 1994), ở 49/139 Tam Trinh, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội (là bạn xã hội của Gia) tìm khách mua điện thoại.
Duy gọi điện cho anh T.T.D rao bán điện thoại có đặc điểm trên. Đến 18h cùng ngày cả ba gặp mặt giao dịch bán điện thoại Samsung Galaxy S7 “nhái” với giá tiền 13 triệu đồng. Đối với điện thoại Samsung Galaxy S7 chính hãng, Gia cầm ra bến xe Nước Ngầm gửi về cho bạn gái là Đỗ Thị Ngân (SN 1988), ở Xuân Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; nhờ bán cho đối tượng Thìn ở TP. Thanh Hóa (chưa xác định lai lịch) lấy 10 triệu đồng.
Thấy lừa đảo dễ, rủ bạn gái cùng tham gia
Ngân giữ lại 500 nghìn đồng, còn lại chuyển khoản cho Gia. Đoàn Ngọc Gia cũng kể cho bạn gái nghe thủ đoạn trên và rủ Ngân lên Hà Nội cùng tham gia lừa đảo. Ngân đồng ý và hẹn đến ngày 15-12 sẽ lên.
Thấy việc tráo đổi điện thoại, mua đi bán lại cũng dễ dàng, ngày hôm sau, 14-12 Gia mua tiếp tục mua điện thoại nhái Iphone 7 Plus của Thanh với giá 2,1 triệu đồng. Sau đó vào cửa hàng Thế giới di động (500 Xã Đàn) mua điện thoại Iphone 7 Plus, 32GB, hơn 22 triệu đồng.
Gia bảo nhân viên in thành 2 phiếu mua hàng rồi về nhà nghỉ Vạn Xuân (phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) tráo đổi hai điện thoại vào hai vỏ hộp, dán lại tem mác như đã làm ở trên. Gia tiếp tục nhờ Duy gọi T.T.D đến mua điện thoại với giá 19 triệu đồng. Chiếc điện thoại Iphone 7 Plus, 32GB chính hãng, Gia để vào vỏ hộp máy “nhái” rồi gửi xe khách về nhờ Ngân bán cho Thìn giá 17 triệu đồng.
Đối tượng Đoàn Ngọc Gia và đối tượng Đỗ Thị Ngân.
Cũng với thủ đoạn như trên, Đoàn Ngọc Gia đã lừa bán cho anh T.T.D thêm 1 điện thoại Iphone 7Plus 32Gb, 1 điện thoại Iphone 7 128 Gb và 1 điện thoại Iphone 7 Plus 128 Gb với tổng cộng số tiền 59 triệu đồng (3 máy giả Gia mua chỉ mất 6,1 triệu đồng). Đối với 2 điện thoại xịn Iphone 7Plus 32Gb và Iphone 7 128Gb, Gia mua để dùng vỏ hộp tráo đổi với giá tiền hơn 43 triệu đồng, đối tượng tiếp tục bán lại cho Thìn với giá tiền 33,5 triệu đồng.
Trong lúc lừa anh T.T.D, ngày 15-12, Gia mua 2 điện thoại nhái Iphone 7Plus với giá tiền 4,2 triệu đồng để tiếp tục lừa, nhưng lần này Trần Ngọc Duy lại gọi cho một người khách khác là anh T.V.T ở phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại 20 triệu đồng thực chất chỉ 2 triệu đồng
Gia mua điện thoại Iphone 7 Plus 128 Gb giá 25,2 triệu đồng và Iphone 7 Plus 32 Gb giá 22,2 triệu đồng rồi tráo hai vỏ hộp, tem mác và hoá đơn 2 điện thoại này với 2 điện thoại “nhái” để bán cho anh T.V.T với giá tiền 41,7 triệu đồng. Phi vụ lừa anh T.V.T lần thứ hai có Ngân tham gia cùng. Đối với 2 điện thoại xịn, Gia lại gửi xe khách về Thanh Hoá bán lại cho Thìn với giá tiền 38,5 triệu đồng…
Sáng 16-12, Gia mua tiếp của Thanh 2 điện thoại Iphone 7 Plus “nhái” giá 4.2 triệu đồng và 1 điện thoại Iphone 7 128Gb xịn giá 25,2 triệu đồng. Sau đó mang về nhà nghỉ tráo đổi điện thoại “nhái” vào vỏ hộp điện thoại chính hãng rồi bảo Ngân mang đi bán cho T.V.T.
Tuy nhiên phi vụ thứ 8 không thành công, T.V.T nghi ngờ Gia bán máy “nhái” nên bắt Gia phải trực tiếp đến gặp. Anh T.T.D cũng cùng đến, sau đó anh này đã đưa Gia đến Công an phường Bách Khoa trình báo sự việc. Tại cơ quan Công an, Gia thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Quá trình thực hiện hành vi, bạn gái Gia là Đỗ Thị Ngân cũng chứng kiến và cùng tham gia một phi vụ. Trần Ngọc Duy chỉ tìm khách môi giới mua điện thoại để hưởng tiền công giới thiệu (500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần) chứ không biết Gia dùng thủ đoạn trên để lừa đảo.
Ngày 19-12, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Đoàn Ngọc Gia và Đỗ Thị Ngân để điều tra làm rõ. Ngày 22-12, toàn bộ hồ sơ cùng đối tượng được chuyển đến Công an quận Đống Đa tiến hành điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Bước đầu lực lượng Công an xác định, tổng số tiền mà Gia chiếm đoạt của các nạn nhân từ việc bán 7 điện thoại nhái là 117,3 triệu đồng. Các nạn nhân tỏ ra rất cay cú bởi phải bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng nhưng thu về máy rởm, trị giá chỉ 1,9-2,2 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với Đoàn Ngọc Gia và Đỗ Thị Ngân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Khám xét nơi ở của Gia, cơ quan chức năng không thu được công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi. Tuy nhiên theo Gia khai nhận, để việc tráo đổi thành công và khách mua điện thoại không nghi ngờ, đối tượng đã lên mạng internet học kỹ thuật bóc tem, vỏ bọc ni-lon điện thoại để dán lại như cũ mà không ảnh hưởng gì đến tình trạng ban đầu của máy.
Kỹ thuật này được thực hiện bằng tay, chỉ áp dụng được với dòng điện thoại cao cấp như Iphone 7, Iphone 7 Plus, Samsung Galaxy S7. Do đó, người dân khi mua những điện thoại “trao tay” cần hết sức cẩn trọng để không bị mua phải máy “nhái”.
Thủ đoạn của đối tượng là mua ĐTDĐ có giá trị cao do các hãng sản xuất ra để lấy vỏ hộp điện thoại chính hãng và hóa đơn bán hàng của các cửa hàng có uy tín. Sau đó mua ĐTDĐ có đặc điểm và chủng loại tương tự nhưng không có nguồn gốc (điện thoại giả, “nhái”) với giá rẻ, rồi tráo đổi điện thoại “nhái” vào hộp điện thoại chính hãng, dán lại tem, nilon mới như chưa bị bóc để các khách hàng tin tưởng là máy mới vừa mua, cần tiền nên bán. Cuối cùng đối tượng gửi kèm hóa đơn nhờ người mang đi bán.
Theo An Quỳnh (CAND)
Đăng nhận xét