Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được nâng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng lên mức 6.000 đồng; các loại dầu diesel, ma dút, nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường với xăng E5, E10 cũng được đề xuất kịch trần lần lượt là 7.200 đồng/lít và 6.800 đồng/lít.
Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tăng thì chắc chắn chi phí vận tải, hàng hóa, hành khách sẽ tăng theo Ảnh: HOÀNG TRIỀU
So với Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, mức khung thuế bảo vệ môi trường tăng rất mạnh. Cụ thể, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 áp dụng thuế với xăng là 1.000 - 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 1.000 - 3.000 đồng/lít, dầu diesel 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa 300 - 2.000 đồng/lít, dầu ma dút 300 - 2.000 đồng/kg…
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, đây là mức nâng quá cao, làm tăng thêm chi phí vận tải, hàng hóa, hành khách và chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Ông bày tỏ: “Tôi đề nghị xem xét thận trọng. Mức khung hiện nay theo luật đã là 4.000 đồng/lít xăng, còn mức áp dụng hiện hành là 3.000 đồng/lít. Chỉ nên tăng lên 1.000 - 2.000 đồng thôi chứ không nên tăng cao quá”.
Theo ông Danh, với việc ngân sách đang rất khó khăn nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng là dễ nhất bởi có thể thu được “tiền tươi thóc thật” trên mỗi lít xăng. Tuy nhiên, điều này có thể tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa nên cần thận trọng.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nhìn nhận nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì ảnh hưởng đến lạm phát trong ngắn hạn là chưa thể có. Các cú sốc về giá thường chỉ tác động một lần và ngắn hạn, trong khi lạm phát mang tính dài hạn và phụ thuộc tổng cầu. Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã không ít lần được đưa ra với mục đích góp phần “cứu vãn” ngân sách. Trong một báo cáo trình Quốc hội khóa XIII, Chính phủ cho biết năm 2016, để bảo đảm cân đối ngân sách, một trong những giải pháp là tập trung thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Theo đó, sẽ nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.
Theo TS Doanh, Việt Nam đã cam kết hội nhập với nhiều điều khoản giảm thuế để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, nên nghĩ ra cách khác để tăng nguồn thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính, việc xem xét tăng thu từ nguồn khác không dễ. Bởi lẽ, nhiều giải pháp như đẩy mạnh thu nợ đọng thuế kéo dài, giảm chi lãng phí (khánh tiết, hội nghị, công tác nước ngoài…) đã thực hiện.
Theo nhiều chuyên gia, môi trường hiện nay đã đến giới hạn chịu đựng. Không thể bảo vệ môi trường chỉ bằng cách tăng thu thuế mà cần có tổ chức chuyên trách việc bảo vệ môi trường, giám sát việc xử lý chất thải rắn, lỏng, khí, đồng thời xử lý nghiêm doanh nghiệp không chấp hành.
Phương Nhung
Đăng nhận xét