Tư tưởng chỉ đạo chiến lược nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: 

"Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến"(1). 

Toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là các nhà chiến lược quân sự cần nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc tư duy chỉ đạo chiến lược đã được vạch ra, đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự (KHNTQS) để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu KHNTQS trong giai đoạn hiện nay, trước hết là vì KHNTQS giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong các bộ phận cấu thành khoa học quân sự Việt Nam. 

Khoa học quân sự bao gồm rất nhiều bộ phận, như KHNTQS, khoa học - công nghệ quân sự, khoa học xã hội - nhân văn quân sự, khoa học y học quân sự... Mỗi lĩnh vực hoạt động quân sự có yêu cầu, nội dung nghiên cứu khoa học - công nghệ cụ thể. 

Trên thế giới, các nước càng có trình độ phát triển cao, càng có nền khoa học quân sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đặc biệt là các cường quốc quân sự hàng đầu. Trong cấu thành khoa học quân sự, mỗi bộ phận có tầm quan trọng riêng, trong đó KHNTQS giữ vị trí cực kỳ quan trọng.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc - Ảnh 1.

Biên đội Su-27 của Trung đoàn 925, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân trong buổi thực hành ban bay mẫu. Ảnh minh họa: qdnd.vn

KHNTQS được cấu thành bởi 3 bộ phận, đó là nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. 

Các bộ phận này có mối quan hệ nhân quả, nghệ thuật tác chiến chiến lược chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật, đồng thời nghệ thuật tác chiến chiến dịch và chiến thuật kiểm nghiệm tính đúng đắn khoa học của nghệ thuật tác chiến chiến lược, bổ sung những tư duy mới cho chiến lược thông qua hoạt động tác chiến thực tiễn trên chiến trường. 

Kế sách là vấn đề cốt lõi trong NTQS, căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể cần có kế sách riêng phù hợp cho từng thời kỳ. Binh pháp đã dạy: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng", bất cứ thời kỳ nào của lịch sử đều phải nắm vững và sử dụng nhuần nhuyễn điều này. 

Chẳng hạn, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là: "Trường kỳ kháng chiến", "kháng chiến toàn dân, toàn diện". 

Nắm chắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược, khi được giao trọng trách Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường, thay đổi từ tư duy "đánh nhanh, thắng nhanh", sang tư duy "đánh chắc, tiến chắc". 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là minh chứng hùng hồn cho sự thông minh, sáng tạo mà vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo thực hiện. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù có sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng quân, dân miền Nam đã đề xuất kế sách đánh Mỹ hết sức thông minh, sáng tạo, đó là "nắm thắt lưng địch mà đánh". 

Với truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra một nền nghệ thuật quân sự siêu phàm. 

Tuy nhiên, trong tình hình đất nước, khu vực và thế giới có nhiều bất ổn khó lường hiện nay, cần có kế sách phù hợp, vì vậy, hơn lúc nào hết cần đẩy mạnh nghiên cứu KHNTQS, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo dõi tình hình thế giới những thập niên gần đây cho thấy, khi tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược hay cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, các cường quốc trên thế giới đều sử dụng vũ khí, phương tiện công nghệ cao. 

Đặc điểm chung của các cuộc chiến tranh này là diễn ra trên một không gian rộng, thời gian ngắn nhưng tính chất khốc liệt của cuộc chiến rất cao. Như vậy, nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đã có sự thay đổi to lớn trong môi trường và điều kiện tác chiến bằng vũ khí, phương tiện công nghệ cao. 

Nếu chúng ta không đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam nâng lên tầm cao mới sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, sẽ không đáp ứng với yêu cầu tác chiến mới nếu chiến tranh hiện đại bảo vệ Tổ quốc xảy ra trong tương lai.

Từ những yếu tố trên, để đẩy mạnh nghiên cứu KHNTQS, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. 

Thứ nhất là cần đẩy mạnh nghiên cứu dự báo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm phát hiện từ xa, từ sớm âm mưu, thủ đoạn, quy mô, tính chất chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. 

Giải pháp này giữ vị trí hàng đầu, bởi lẽ, các thế lực thù địch với cách mạng nước ta đang ráo riết triển khai âm mưu "diễn biến hòa bình" bằng nhiều thủ đoạn vừa hết sức tinh vi, vừa hết sức xảo quyệt nhằm gây mất ổn định về chính trị, xã hội dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa và gây bạo loạn lật đổ chế độ. 

Chúng coi tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta là cơ hội để chúng tiến hành nhiều hành động chống phá vừa ngấm ngầm, vừa công khai cả ở trong nước và ở nước ngoài. 

Nếu chúng ta mất cảnh giác, không nắm chắc tình hình để đưa ra những dự báo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật chính xác, kịp thời thì rất dễ từ những đốm lửa nhỏ bùng phát thành những đám cháy lớn gây bất ổn về chính trị, xã hội, bạo loạn lật đổ sẽ xảy ra. 

Lợi dụng tình hình này, không loại trừ khả năng kẻ địch sử dụng sức mạnh quân sự trực tiếp can thiệp từ bên ngoài vào. Vì vậy, đẩy mạnh nghiên cứu dự báo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm phát hiện từ xa, từ sớm âm mưu, thủ đoạn, quy mô, tính chất chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta là hết sức cần thiết.

Thực hiện giải pháp này cần phải tăng cường đầu tư về con người, tổ chức và trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ nghiên cứu dự báo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm phát hiện từ xa, từ sớm âm mưu, thủ đoạn, quy mô, tính chất chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. 

Cần phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm nắm chắc tình hình đất nước, khu vực và thế giới, đề xuất kịp thời các kế sách bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Bên cạnh đó, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu khoa học dự báo và KHNTQS nhằm nâng cao tính đồng bộ và hiệu quả cho các chương trình nghiên cứu KHNTQS trong tình hình mới cần được tiếp tục triển khai tích cực.

Thứ hai là, các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ cần chủ động, tích cực đề xuất những vấn đề mới liên quan đến quốc phòng, an ninh; triển khai các công trình nghiên cứu về tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Đây là giải pháp giữ vai trò quyết định, bởi lẽ, các chương trình, đề tài nghiên cứu KHNTQS không tự nhiên xuất hiện, mà nó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức tích cực, chủ động đầu tư nghiên cứu tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới mới phát hiện ra những vấn đề đang đặt ra cho quốc phòng, an ninh quốc gia. 

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các nhà khoa học đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu thành công nhiều công trình khoa học về NTQS có giá trị lý luận và thực tiễn cao. 

Tuy nhiên, không ít các công trình khoa học được đầu tư công phu, tốn kém, nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chưa được vận dụng một cách kịp thời vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. 

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ càng phải chủ động, tích cực đề xuất những vấn đề mới liên quan đến quốc phòng, an ninh để xây dựng, triển khai các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện giải pháp này, căn cứ vào tình hình đất nước, khu vực và thế giới, cơ quan khoa học cấp chiến lược cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương xây dựng các chương trình nghiên cứu KHNTQS cấp Nhà nước, cấp bộ. 

Đồng thời, chỉ đạo cấp chiến dịch và chiến thuật đề xuất các chương trình, đề tài nghiên cứu KHNTQS cấp cơ sở. 

Rà soát kỹ lưỡng các công trình KHNTQS đã được nghiên cứu thành công nhằm xác định rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn được vận dụng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đồng thời xác định rõ những vấn đề cần phải phát triển hoàn thiện thêm. 

Trên cơ sở đó, xây dựng các đề tài KHNTQS mới có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc hơn, tránh sự trùng lắp, giao thoa. Tăng cường đầu tư kinh phí, phương tiện giúp các ban chương trình đề tài hoàn thành tốt các chương trình, đề tài KHNTQS đã và sẽ được triển khai thực hiện. 

Tránh tình trạng sử dụng kinh phí sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát hoặc quá eo hẹp làm ảnh hưởng chất lượng các công trình nghiên cứu.

Thứ ba là triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu về KHNTQS vào hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ, góp phần thiết thực cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Giải pháp này cực kỳ quan trọng, bởi vì, mọi công trình nghiên cứu khoa học nói chung, KHNTQS nói riêng chỉ có giá trị khi được vận dụng vào thực tiễn hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. 

Đối với các chương trình, đề tài KHNTQS thì huấn luyện, SSCĐ, triển khai công tác quân sự, quốc phòng là nơi kiểm nghiệm kết quả nghiên cứu, đồng thời cũng là hoạt động thực tiễn phát sinh vấn đề mới, làm căn cứ đề xuất những công trình nghiên cứu KHNTQS trong tương lai. 

Vì thế, việc triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu về KHNTQS vào hoạt động thực tiễn sẽ góp phần thiết thực cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Để triển khai giải pháp này cần làm tốt công tác tổng hợp kết quả nghiên cứu KHNTQS từng năm, từng thời kỳ, trên cơ sở đó, xác định rõ trình tự những nội dung khoa học cần được áp dụng ngay cho công tác quân sự, quốc phòng, tránh tình trạng "bỏ tủ" hoặc khi được áp dụng thì đã lạc hậu. 

Cần thực hiện tốt công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHNTQS cho các cơ quan, đơn vị nhằm triển khai nhanh vào huấn luyện, SSCĐ. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển giao KHNTQS và huấn luyện, SSCĐ bảo vệ Tổ quốc. 

Làm tốt vấn đề này, vừa nâng cao chất lượng các kết quả nghiên cứu KHNTQS, vừa nắm chắc tình hình thực tiễn để bổ sung kịp thời cho hoạt động quân sự, quốc phòng và nghiên cứu khoa học tiếp theo.

Đẩy mạnh nghiên cứu KHNTQS là một trong những hoạt động rất cần thiết trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường hiện nay. Các giải pháp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu KHNTQS có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tương tác lẫn nhau.

Nếu được thực hiện đồng bộ, nhất quán chắc chắn sẽ thúc đẩy nghiên cứu KHNTQS ngày càng phát triển lên tầm cao mới, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

.............................

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội 2016, trang 149

Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.